Thịt gác bếp – Đậm đà hương vị vùng cao

Món thịt gác bếp của đồng bào các dân tộc thiểu số tại những tỉnh vùng cao phía bắc được coi là một trong những đặc sản quý. Nó thường được dùng trong các dịp lễ hội, tiếp khách đến chơi nhà và là thứ du khách thường mua về làm quà.

Thịt gác bếp – Đậm đà hương vị vùng cao

Thịt trâu gác bếp

Món thịt gác bếp này vốn là đặc sản của người Thái đen, xưa kia họ nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn được lâu, dùng trong những ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng. Ngày nay, thịt trâu gác bếp trở thành đặc sản vùng cao Tây Bắc, phổ biến hơn trong bữa cơm của dân bản, được những thực khách bốn phương rất ưa thích.

Thịt gác bếp - Đậm đà hương vị vùng cao
Thịt gác bếp – Đậm đà hương vị vùng cao

Làm thịt trâu gác bếp không khó, nhưng cũng khá mất công. Thịt thường được cắt thành những mảng thịt to; sau đó thái dọc thớ, ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng, lá mắc khén (một loại hạt tiêu rừng) và treo lên gác bếp hun khói cho đến khi quắt khô, bên ngoài khô, màu nâu thẫm, nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ, ngọt đậm đà là có thể chế biến thành nhiều món như nướng, hầm hoặc nấu,…

Thịt trâu gác bếp được bảo quản tốt trong vòng 6 đến 8 tháng vẫn không mất đi hương vị.

Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp

Thịt bò gác bếp

Đặc sản này được chế biến từ những con bò chăn thả tự nhiên, leo đồi, núi để tìm cỏ ăn nên rất chắc thịt.

Khi làm món thịt gác bếp, người dân chọn những miếng bò tươi, chắc thớ như phần bắp, mông. Thịt được thái dọc thớ thành từng miếng dầy 2-3 cm, dài 30-40 cm. Gừng, tỏi, ớt được rửa sạch, bóc vỏ giã nhỏ thành hỗn hợp rồi ướp trong 3 tiếng cho ngấm. Sau đó, người dân xiên miếng thịt bò vào que tre, đặt lên trên gác bếp để khói hun thịt một cách tự nhiên. Sau 15-20 ngày, dưới sự tác động của nhiệt độ tỏa ra từ bếp than, củi… thịt se dần, khô lại. Lúc này, người dân có thể mang thịt xuống để chế biến sử dụng.

Thịt bò gác bếp
Thịt bò gác bếp

Có hai cách để chế biến món ăn này. Cách thứ nhất là ủ thịt bò trực tiếp vào tro nóng của bếp củi 10-15 phút. Sau đó, mang thịt ra, rũ sạch tro bụi rồi lấy sống dao, chày dần đều cho mềm. Cuối cùng, chúng ta xé tảng thịt đó ra thành từng miếng nhỏ rồi ăn.

Cách thứ hai, bạn có thể mang miếng thịt ngâm vào nước nóng cho mềm, rửa sạch, thái mỏng rồi mang ra xào cùng lá tỏi tươi, them chút đường, dấm hoặc các gia vị khác tùy sở thích. Thịt bò khô xào thường ăn cùng cơm trắng nóng hổi, bún…

Thịt bò gác bếp
Thịt bò gác bếp

Thịt lợn gác bếp

Thịt gác bếp được lấy từ lợn được chăn thả tự nhiên và được chế biến theo cách riêng mang nét đặc trưng của núi rừng. Thịt sau khi thái thành từng tảng được đem đi xát muối, bóp rượu rồi bỏ vào hũ ủ 3 đến 4 ngày, sau đó mang ra rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, phơi ráo rồi treo lên gác bếp.

Thịt lợn gác bếp
Thịt lợn gác bếp

Quá trình hun khói để sấy thịt cũng đòi hỏi công phu và sự khéo léo. Bếp được đun bằng củi, khói bay nghi ngút; những miếng thịt treo trên gác bếp “ăn khói” và khô dần. Khi lớp da, thịt nạc chuyển sang màu bồ hóng, lớp mỡ chuyển sang màu trong là có thể yên tâm để ăn dần trong cả năm.

Thịt lợn gác bếp có mùi hương đặc biệt, đó là sự cay nồng của mắc khén, mùi ngai ngái của khói bếp, sự mềm ngậy của thịt mỡ, sự giòn tan của bì lợn và vị ngọt đậm của thịt nạc.

Thịt lợn gác bếp
Thịt lợn gác bếp
4.7/5 - (100 bình chọn)
Back to top button