Bánh trung thu – thức quà truyền thống có sức sống vượt thời gian
“Liệu có công thức nào để làm ra một loại bánh ngon và lạ nhất trên đời này không?” Câu hỏi bước ra từ truyện cổ tích nhưng lại khiến con người ta bồi hồi nhớ đến chiếc bánh trung thu năm ấy và mong muốn tìm về những hương vị giản dị, thân quen hôm nào.
Gõ cửa gọi mùa của “hương vị tình thân”
Hà Nội, những ngày tháng 8 trời vào Thu, khi phố Hàng Mã bắt đầu lập lòe trong sắc đỏ của lồng đèn, hay những gian hàng bánh trung thu bắt đầu nhiều dần trên các con phố với đủ các thương hiệu nổi tiếng: Kinh Đô, Hữu Nghị, Đông Phương,… Đâu đó Facebook cũng nhiều hơn hình ảnh những chiếc bánh trung thu trông rất ngon mắt thì cũng là lúc người ta nhìn nhau nói: Một mùa trung thu nữa lại về…
Vốn là mùa của “hương vị tình thân”, mùa của đoàn viên, sum vầy dưới ánh trăng tròn, đặc trưng không thể thiếu đó là bánh trung thu – một trong những món ăn truyền thống có sức sống vượt thời gian được tồn tại, phát triển với những bước chuyển mình đầy tinh tế để theo kịp hơi thở của thời đại.
Trung thu cũng là ngày được mong chờ nhất trong một mùa lãng mạn nhất – mùa Thu. Nếu như Tết Nguyên Đán là dịp để cả gia đình sum vầy trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì Tết Trung thu lại là thời điểm đoàn viên, vui vầy dưới ánh trăng tròn. Không khí xóm trên làng dưới náo nức tụ họp, trẻ con, người lớn rộn ràng đông vui là những gì người ta nhớ đến của trung thu ngày xưa. Quây quần bên mâm cỗ ngày rằm là những thức bánh, thức quả mà các bà, các mẹ khéo léo chuẩn bị: bưởi, chuối, hồng chín đỏ, bánh đa vừng, bánh đậu xanh, bánh quy,.. và không thể thiếu đi chiếc bánh nướng vàng ruộm, bánh dẻo trắng ngần. Cùng với đó, tiếng trống, tiếng hát “tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh” vang tưng bừng hòa trong ánh sáng lồng đèn len lỏi từ sân nhà qua khắp các con ngõ đường làng. Cứ như thế đi cùng năm tháng, niềm vui ấy dần trở thành một phần của ký ức, nuôi tuổi thơ của biết bao thế hệ con người khôn lớn. Và bánh trung thu vẫn luôn là thành phần không thể thiếu để hoàn thiện mâm cỗ mùa trăng.
Ngày nay, vào ngày lễ đặc biệt này thì mọi thành viên trong gia đình đều trở về thăm người thân, đoàn viên bên gia đình, trao nhau những chiếc bánh trung thu ý nghĩa cùng những lời chúc tốt đẹp nhất đến những người thân yêu của mình.
Chiếc bánh bánh trung thu – món ngon mùa trăng Rằm
Là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ mỗi mùa trung thu về, bánh trung thu có 2 loại: bánh nướng (hình vuông) và bánh dẻo (hình tròn) mang ý nghĩa tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc, cuộc sống đủ đầy.
Bánh nướng
Đặc trưng của bánh nướng là lớp vỏ mềm mịn được làm từ bột mì, thường có màu vàng ươm sau khi nướng. Bánh nướng có 2 phần: phần áo bánh và phần nhân.
Phần áo bánh (tức vỏ bánh nướng) sử dụng nguyên liệu bột mì, bột nở, nước đường và không thể thiếu một lớp dầu ăn để cho vỏ bánh được vàng óng sau khi nướng. Bột mì càng mịn ngon thì vỏ bánh càng thơm, mềm không bị khô cứng hay bở ra. Vỏ bánh bao bọc lấy khối nhân được vo tròn với đa dạng loại nhân: ngoài hạt bí, hạt dưa, hạt điều, mứt, vừng, lạp xưởng thì cấu thành lên loại nhân thập cẩm còn có thể có thêm: thịt lợn quay, thịt gà quay, chà bông và không thể thiếu những sợi lá chanh thái nhỏ, chút muối, chút đường dậy mùi nhân thập cẩm. Bề mặt và viền bánh thường được trang trí bằng các họa tiết hoa văn cách điệu đẹp mắt hoặc các biểu tượng logo, tên thương hiệu làm bánh. Màu bánh nướng đậm hay nhạt do quá trình nướng già hay nướng non nhiệt mà thành. Nhưng có thể thấy, màu bánh vàng sẫm vẫn luôn hấp dẫn, hút mắt hơn cả.
Ngày nay, bánh nướng được phát triển thêm nhiều loại nhân chay làm bằng đậu xanh, hạt sen, đậu đỏ, cốm, dừa, bột trà xanh,… rất được ưa chuộng. Sự sáng tạo và đổi mới không ngừng bắt theo kịp xu hướng thời đại đã tạo lên sự phong phú và đa dạng trong danh sách các loại bánh nướng mỗi dịp Trung thu về.
Bánh dẻo
Cùng với chiếc bánh nướng, bắt cặp không thể thiếu là những chiếc bánh mang sắc trắng thuần khiết, mềm mịn được định danh với tên gọi bánh dẻo.
Khác với bánh nướng sử dụng bột mì, bột làm vỏ bánh dẻo là bột nếp. Nhào nặn cùng với đường vừa đủ và một chút tinh dầu hoa bưởi thơm ngọt tạo nên lớp áo trắng trong, ngọt dịu, thơm mùi bột nếp. Nhân bánh dẻo về cơ bản được làm giống như nhân bánh nướng. Bánh có vị mặn, ngọt phù hợp với yêu cầu và sở thích của mỗi người, nhưng truyền thống nhất vẫn là vị ngọt thanh của bánh khi thưởng thức.
Bánh dẻo thường được làm thành hình tròn có màu trắng trong ngần, thể hiện hình dáng vầng trăng tròn, tượng trưng cho tình cảm tròn đầy, gắn bó khăng khít giữa các thành viên trong gia đình.
Dù là bánh nướng hay bánh dẻo, nhân thập cẩm hay nhân chay thì đây cũng là một phần không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu, và là một nét đẹp cổ truyền của người dân Việt Nam. Chứa đựng trong chiếc bánh trung thu, người ta vẫn luôn mong đợi sự tinh tế của hình thức, sự hoài niệm của hương vị và sự khéo léo, tận tâm của người làm bánh, cùng với quy trình giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Trung thu bây giờ, dù không còn những đứa trẻ rồng rắn rước đèn khắp con đường làng trên xóm dưới thì đâu đó trong tiết trời se lạnh của mùa thu, người ta vẫn nhớ tới không khí sum vầy ấm áp năm nào. Bánh trung thu ngày nay không chỉ là món quà đoàn viên ý nghĩa đối với các thành viên trong gia đình mà còn là thức quà quý thưởng thức cùng tách trà thơm, nói với nhau những câu chuyện đẹp. Và đây cũng là món quà thu tinh tế, kết tình thâm giao ý nghĩa với đầy đủ “mỹ – vị – tình”.